BÀI DỰ THI
"GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH TÔI YÊU"
Chủ đề: Mở trang sách - sáng tương lai
Họ và tên: Phan Ngọc Khánh Huyền
Lớp: 11 Văn
Cuốn sách tôi yêu: Chiến binh cầu vồng (Tên Indonesia là: Laskar Pelangi)
Tác giả: Andrea Hirata
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
LỜI MỞ ĐẦU
Con người ta luôn ao ước được xoa dịu, sau những miệt mài tổn thương, sau nỗi cô đơn đôi khi chẳng bộc lộ rõ. Thời khắc đó, dẫu đồng tử ngưng đọng, trong trí tâm ta vẫn không thôi bồn chồn, những nỗi âu lo cứ đập vào nhau lộn xộn. Tìm đến một miền ký ức ngả lưng, miền ký ức êm dịu ru ta vào ấm áp, có lẽ chính là liệu pháp chữa trị tốt nhất tại thời điểm này. Đối với tôi mà nói, miền ký ức đẹp đẽ trân thương, lại dịu nhẹ như ánh ban mai ấy, cho đến lúc này, chính là quãng thời gian đi học mà mỗi ngày, tôi đang đưa nét bút mình viết nên. Có thể lắm chứ, quãng thời gian cắp sách đến trường mềm mại và thanh mát tựa đồng nội cỏ trải thảm xanh rờn trước mắt tôi. Và thực lòng tin rằng, ký ức ấy là điều dịu dàng đẹp đẽ, bởi biết bao anh chị ra trường, cô giáo tôi hay người mẹ của tôi đều đã từng tìm thấy một đáp án tương tự như thế. Mẹ tôi vẫn thường kể cho tôi nghe trong bữa cơm gia đình, về câu chuyện học đường một thời của mẹ. Và bạn biết gì không? Dù đã nếm trải cảm xúc đến trường được một quãng thời gian rất lâu trước đó rồi, mẹ tôi, đôi môi thì vẫn ham kể, còn đôi mắt dường như đang thả hồn về một miền xa xăm nào đó. Tôi chợt thấy thoáng qua trong đôi mắt sương gió ấy, bỗng hửng lên những tia nắng ấm áp xinh đẹp, những tia nắng bắt vẻ đẹp lung linh của những giọt sương sau cơn mưa. Ngẫm rằng, dường như, những ký ức về mái trường ấy tựa cầu vồng tỏa rạng, khiến bất cứ ai cũng không thôi hàn thuyên về nó với ấm áp trào dâng trong lòng.
Để tôi đoán, có phải bạn cũng thế không? Bỗng dưng nhoẻn môi cười khi nghĩ đến những kỷ niệm thời cắp sách đã qua? Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều ước ao sống lại những xúc cảm ấy thêm một lần, dẫu không thể, vì cuộc đời này, những điều đẹp đẽ vốn chỉ xảy đến một lần mà thôi, và cũng bởi vì chỉ một lần xảy ra, cho nên nó mới thực sự có ý nghĩa lớn lao đến vậy. Bản thân con người luôn muốn giữ gìn những gì nguyên sơ nhất, khiết thuần và trong sáng nhất cho cuộc chạm ngõ đầu tiên với ký ức đến trường.
Chính vì thế, "Chiến binh cầu vồng", cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Indonesia Andrea Hirata có lẽ là điều bạn cần ngay lúc này. Khoảng khắc đắm chìm trong êm dịu của ký ức miền mơ áo trắng, tôi tin rằng, bạn có thể đi thật xa cùng với những "chiến binh" trên con đường đến trường của họ. Bởi không chỉ là những kỷ niệm gắn kết tình bạn trên con đường đi học thông thường, mà là cả một chuyến hành trình bước đến lý tưởng cao đẹp: Bảo vệ quyền giáo dục xứng đáng và ngôi trường Muhammadiyah. Con đường ta được dịp đồng hành cùng các cô cậu học trò nhỏ ấy, còn đốt lên trong ta bao ý vị cảm xúc, về nỗi thương xót hoàn cảnh gia đình nghèo khó, hay sự ngưỡng vọng nỗ lực và cống hiến đỉnh cao. Hơn hết, câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi biệt đội "Chiến binh cầu vồng" phải vật lộn với cuộc sống đầy rẫy bao rào cản để có thể được đến trường chính là hiện thân của khát khao cao đẹp, niềm tin vững chắc, và một bài học để đời mà ta phải trân trân nhớ về: "Đừng bỏ cuộc! Đừng bao giờ đánh mất bản thân ta!"
Điều gì làm nên sức mạnh của một chiến binh?
Tôi xin trả lời, đó là khao khát!
Những đứa trẻ sinh ra đã phải sống cuộc đời nghèo khổ: ba mẹ làm cu li, chịu thân phận thấp hèn, bị phân biệt đối xử, không được hưởng quyền giáo dục như những đứa trẻ có bố mẹ làm ở Điền Trang, chỉ được học tập trong một ngôi trường xập xệ, tưởng chừng một con dê đang kì động dục chạy đâm sầm vào thì ngay lập tức, ngôi trường ấy sẽ đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn...
Kỳ diệu thay, cũng chính những đứa trẻ ấy là những chiến binh quả cảm, không hề lùi bước trước khó khăn, là suối nguồn của ngôi trường tiểu học Muhammadiyah, tựa cơn mưa mát mẻ trên bầu trời luôn đem đến cho nơi đây một sức sống riêng, vượt lên cả vật chất, một sức sống chân phương và nhiệt huyết. Những đứa trẻ ấy chính là: Samson, A Kiong, Sahara, Harun, Trapani, Lintang, Syahdan, Flo, Kucai, Mahar và tác giả, Ikal. 11 thành viên của "Chiến binh cầu vồng" với những tính cách riêng, mộng mơ riêng, thế nhưng, chung quy lại một điểm đến, chúng đều bước đi trên con đường thực hiện lý tưởng "được hưởng quyền giáo dục" của mình.
Xuyên suốt thiên truyện, nơi ta tìm thấy nhịp phập phồng của con tim, có lẽ là khi được đồng hành cùng những người bạn nhỏ trên hành trình đến trường. Tôi còn nhớ một chi tiết rất ấn tượng, gay cấn, hồi hộp đến ngộp thở, đó là thời khắc Lintang, cậu bạn "sao sáng" trong lớp học kia, đối đầu với đầm cá sấu để có thể được đến trường. 80 cây số, đó chính xác là quãng đường từ nhà đến cổng trường Muhammadiyah. Xa xôi đến mỏi trí, thế mà, "Khoảng cách chưa phải là khó khăn duy nhất nó phải đối mặt. Vào mùa mưa, con đường biến thành sông, ngập đến ngang ngực. Hễ lúc nào con đường biến thành sông, Lintang lại dựng xe đạp bên dưới một cái cây trên mô đất cao, nước không dâng tới được, bỏ hết quần áo, sách vở vào trong một túi nhựa cột kỹ lại, miệng ngậm cái túi, lao xuống nước, và bơi hết tốc lực đến trường vì không khéo bị cá sấu ăn thịt thì khốn". Thực quá đỗi nguy hiểm, rùng rợn và thậm chí nếu không may mắn, Lintang có thể trở thành bữa ăn của cá sấu từ khi nào. Vậy mà, không một thanh kiếm trong tay, lại chẳng hề được trang bị áo giáp hay bất cứ sức mạnh lớn lao nào, trái tim sôi sục niềm ham muốn học hành, nỗi khát khao được thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghề đánh cá, và hơn hết là thiên mệnh không thể quên của đội chiến binh cầu vồng: giành lấy vinh hiển cho ngôi trường, để mọi người không còn coi khinh và có thể bảo vệ mái trường thân yêu trước ý định đóng cửa của thanh tra sở. Tất cả, tất cả những điều nhỏ bé mà thiêng liêng vô cùng trong trái tim của cậu học trò thông minh ấy, tựa ánh sáng mặt trời vĩnh hằng không bao giờ tắt, luôn chực chờ đó và thúc đẩy cậu tiến lên.
Các học trò nhỏ hiếm hoi của trường tiểu học Muhammadiyah với vẻ ngoài đen đúa, đầu tóc bờm xờm, tay chân lem luốc, cổ còn thòng dây ná, chân mang dép lốp ô tô, chẳng có lấy compa, thước kẻ, máy tính, lại vinh hiển từng bước trở thành "chiến binh", đúng với ý nghĩa thực sự của tên gọi. Những cô cậu học trò ấy chẳng phải là những người tiên phong trong cuộc hành trình đả phá định kiến giáo dục tồi tàn và thối nát, rằng trẻ em nghèo không có quyền đến trường hay sao? Chúng đã cùng cực lắm, ngậm đắng nuốt cay, dẫu biết ba mẹ mình sẽ phải khổ nhiều, sẽ phải chi trả một khoản tiền lớn cho giáo dục. Trong ngày khai trường đầu tiên, đã có một khoảng không vô định nào đó, những đứa trẻ ấy có ý định từ bỏ và trở thành những cu li làm mướn, gánh vác chút kinh phí sinh hoạt của gia đình. Thế nhưng, để lại sau lưng nỗi đau nhói đôi lần ám ảnh về hoàn cảnh khốn cùng, những đứa trẻ ấy vẫn đến trường và say mê trường học biết mấy. Chúng đã dồn công sức vào thi đua học tập, chuẩn bị vũ điệu cho "Lễ hội hóa trang" hay kỳ thi học sinh giỏi. Những điều ấy, chẳng phải sau cuối đều là vì một mục đích duy nhất: tường tỏ nỗi khát khao học hành và khẳng định những đứa trẻ nghèo cũng không thua kém gì những cô chiêu cậu ấm được hưởng nền giáo dục hiện đại. Vì vậy, chí ít thôi, chúng cũng có quyền được đến trường, học tập trong yên vui chứ không phải mỗi ngày đều treo trên đầu nỗi lo sợ ngôi trường bị đóng cửa như thế. Khó khăn đã hun đúc bản chất kiên cường, mạnh mẽ vốn có của những “chiến binh”. Chính cuộc sống khó khăn, cực nhọc và khốn cùng là động lực để chúng đến trường thường xuyên hơn. Với chúng, việc học không là điều gì quá đáng sợ mà là cánh cửa mở ra thế giới kì diệu. "Cô Mus và thầy Harfan đã khiến chúng tôi yêu thích ngôi trường, và hơn thế nữa, mang đến cho chúng tôi niềm ham mê học tập, trau dồi kiến thức. Lúc tan trường, chúng tôi phụng phịu chẳng muốn về nhà. Khi được cô giao về nhà mười bài tập, chúng tôi đòi hai mươi. Chủ nhật chưa tới, chúng tôi đã nóng lòng đợi đến thứ Hai"
"Tôi muốn trở thành giáo viên"
Ấy là lời bộc bạch của cô thiếu nữ Mus khi vừa tròn 15 tuổi. Câu nói mộc mạc chân thành thoát ra từ cổ họng của một người dám ước mơ, dẫu đó chỉ là những ước mơ tầm thường trong mắt người khác. Cô gái trẻ thốt lên một điều đơn giản ấy, tựa như nó đã ngự trị trái tim cô một quãng thời gian dài. Không giấu diếm, không cầu kì, càng không phải là lời tự tin tuyên thệ... Chỉ là, tất thảy những điều cô thực sự ao ước. Nói cách khác, "Giáo viên" chính là những gì cao quý và đẹp đẽ trong lòng cô gái trẻ, là lý tưởng sau cuối mà cô muốn trở thành. Ước mơ của Mus tựa như chiếc chuông gió, chỉ cần khẽ chạm, khẽ dùng ngón tay đong đưa nhẹ một chút thôi, thì những thanh âm đẹp đẽ, khiết thuần và trong trẻo nhất sẽ vang vọng khắp không gian, rồi cứ thế, tỏa dần, tỏa dần đến vô vàn đôi tai luôn mong chờ một bản đàn tươi đẹp. Bạn có thể tưởng tượng cùng tôi không? Hình ảnh đôi mắt cô Mus đôi chút xáo động, cô cảm thấy như ai đó chạm đến tim mình khi bỗng nhiên hỏi về giấc mơ đời cô. "Tôi muốn trở thành giáo viên", đó là phản xạ đầu tiên, khắc sâu trong tâm khảm và bật ra ngay lập tức, giống như một đứa trẻ gọi mẹ ngay phút giây đầu đời chúng tập nói vậy. Thực xúc động biết bao! Ước mơ lúc này không chỉ đơn thuần là ước mơ nữa, nó đã thấm vào da thịt và bật lên như một niềm kiêu hãnh của người thiếu nữ mười lăm này rồi.
Gọi tên giấc mơ chính là gọi tên tương lai mà ta thực sự muốn thuộc về. Con người vốn dĩ vẫn như vậy, ước mơ giúp họ bay bổng, để họ có quyền buông hơi thở và thả hồn vào những khao khát đẹp đẽ hơn. Thế nhưng, nếu xét vào trường hợp của cô Mus, rõ ràng ước mơ trở thành giáo viên của cô không hề đem lại điều gì tốt hơn so với những cơ hội mà cô có thể có được. Cô được trao cho công việc quản lý kho thóc tại PN, trở thành nhân viên hành chính ở đấy, hơn nữa còn được con trai ông chủ một cơ sở kinh doanh cầu hôn. Cơ hội béo bở như vậy, nếu Mus chấp thuận, thì có lẽ, cuộc đời của cô đã rẽ sang một hướng khác. Cô sẽ trở nên giàu có, khấm khá hay chí ít là ổn định, chứ không phải lênh đênh trên mạn thuyền của một giấc mơ niềm nở nhưng hiểm hóc và nguy khó như vậy. Theo đuổi giấc mơ chính là bỏ qua những điều phù phiếm khác và cô Mus thậm chí đã bỏ qua tiền bạc, thanh danh, hay là sự bình yên, sung sướng một đời của bản thân mình chỉ để thực hiện giấc mơ mà cô xem là chân ái. Điều gì khiến cô hạnh phúc? Lý do gì khiến sự tồn tại trên cõi đời này của cô thực là một điều tốt đẹp? Câu trả lời bất biến trong tim mãi mãi, đối với người nhà giáo trẻ, chính là công việc dạy học. "Có một người khổng lồ đang ngủ yên trong lòng cô, và chỉ chờ đến khi cô gặp được những học sinh yêu quý của mình thì người khổng lồ ấy sẽ choàng tỉnh giấc". Cô giáo Mus với niềm đam mê cháy bỏng và thái độ sống kiên định với giấc mơ đã truyền cảm hứng cho những học trò nhỏ của cô, khiến chúng tự nhắc nhở bản thân rằng không bao giờ được bỏ cuộc, đừng đánh đổi ước mơ cao đẹp vì một điều gì khác. Thay vào đó, hãy vượt qua thăng trầm của cuộc đời, mạnh mẽ và mãnh liệt tựa cái tên "chiến binh" mà chúng một lòng hướng về.
Bài học rút ra từ những khao khát
Thời trẻ nhân gian, ai cũng đã từng đắm mình vào một giấc mơ thật đẹp. Thế nhưng, khi tỉnh giấc, ta nhận ra miền đất xanh biếc rạng ngời ấy thực chất chỉ là ảo ảnh mà thôi. Chốn ta ở, đang là một vùng đất xa mà ta chưa hề ngờ đến. Lúc ấy, có đôi chút hụt hẫng và thất vọng, cảm xúc như bị ai bóp nghẹn vậy, thực sự rất khó thở, giọt nước mắt như có như không lăn xuống khẽ khàng chẳng hay. Có phải là vì ta không thể thực hiện được giấc mơ của mình không? Nó xa xỉ và khó khăn quá chừng. Hay cuộc sống xô bồ và những biến động không ngờ ấy đã đẩy ta sang một con đường miễn cưỡng mà ta không hề mong muốn? Đến khoảnh khắc nhận ra, ta mới cảm nhận thấy nỗi đau cùng cực biết bao, như siết chặt, như che mắt ta, để một lần nữa, ta lăn lộn trong vô vàn ký ức miền mơ mà chân tâm vẫn ao ước thuộc về. Tự đặt câu hỏi cho chính mình, liệu ta đã lần nào thực sự được sống chưa, một cách trọn vẹn và có ý nghĩa nhất?
Còn cô Mus, cô đã thực sự sống hạnh phúc biết mấy, dù giấc mơ trở thành giáo viên có thể khiến cô trở thành kẻ nghèo khổ. Bởi, tất thảy những đam mê, nhiệt thành và tấm lòng trân báu nghề nghiệp của cô đã giúp cô sống hạnh phúc. Đó là lý do người trẻ nên đọc cuốn sách này, nó gõ vào cánh cửa trái tim ta một lực vừa phải, để ta nhắc nhở bản thân mình, đừng ngần ngại chi mà không tiến đến với ước mơ thực sự. Còn đối với những người không còn trẻ nữa, cũng đừng thấy hối tiếc nếu tháng năm đó mình đã không thực sự tiếp tục với giấc mơ đẹp đẽ vô ngần. Hãy trân trọng thời khắc hiện tại và dồn hết trí tâm vào những gì mình đang có vậy. "Ước mơ giống như những vì sao… ta có thể không bao giờ chạm tay vào được, nhưng nếu đi theo chúng, chúng sẽ dẫn ta đến vận mệnh của mình" (Samuel Johnson)
"Chiến binh cầu vồng"_kho báu hồi ức nguyên sơ
Mỗi cuốn sách hay, đối với ta đều khơi gợi những điều tốt đẹp riêng. Và đến với" Chiến binh cầu vồng", tôi nhìn thấy những hồi ức quay lại. Một lần nữa, những dòng chữ kia, câu chuyện của tác giả tựa như ánh sáng lẻn vào, lấp lánh trong ngăn tủ ký ức, hấp dẫn bước chân tôi cận kề, và tôi đắm chìm vào thứ cảm xúc ấy, tựa như lần đầu gặp gỡ, giống như là mới đây thôi, thời gian chưa hề xóa nhòa bất cứ điều thiêng liêng nào cả.
Và, ngay từ trang sách đầu tiên, ký ức về ngày khai giảng năm lớp 1 hiện hữu trong tôi, tràn trề nhựa sống, chảy qua các giác quan một cách sống động. Bầu trời mùa thu hôm ấy trong vắt, xanh cao và không một đám mây. Mẹ đưa tôi đến trường, còn vui vẻ mua cho tôi mấy quả bóng bay ngập màu sắc. Nụ cười bé thơ khi ấy, cầm trên tay những chùm quả xinh xinh, lại không bật lên thích thú và rạng rỡ nụ cười. Trái lại, tôi hơi lo lắng một chút, và tôi biết, mẹ tôi cũng hồi hộp biết bao, trước thời khắc quan trọng của cuộc đời con gái nhỏ. Dễ thương thật! Những ký ức xinh xắn ấy như len lỏi vào trái tim tôi, vuốt ve và cưng nựng lấy nó, ngay thời khắc tôi đọc câu chuyện của các nhân vật trong buổi đầu tiên đến trường. Bố mẹ của những đứa trẻ ấy cũng lo lắng y hệt như mẹ tôi vậy. Thế nhưng tất thảy họ đều không bộc lộ điều đó. Cha của tác giả Ikal ôm lấy bờ vai cậu trai nhỏ, gật đầu mỉm cười chào những ông bố, bà mẹ khác. Cha của Lintang, người đàn ông có dáng người giống cây thông, lại tràn trề hy vọng, và cả niềm tự hào. Bởi lẽ, ông tin rằng, cậu con trai của ông sẽ bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn tối tăm của gia đình muôn đời truyền nối nhau làm nghề đánh cá. Hãnh diện và hạnh phúc khi con cái mình được đến trường là vậy. Thế nhưng, nghĩ về hiện thực, trái tim họ vẫn như bị cứa vào ngàn nhát dao găm. Sự thật là: Họ quá nghèo, lại thuộc tầng lớp hạ đẳng nhất trong xã hội. Cuộc đời vùi dập theo cái nghề cu li vất vả chỉ được trả không hơn mười hai đô la mỗi tháng. Trong một vài khoảnh khắc, vẻ mặt những bậc cha mẹ bần thần, trống rỗng và suy nghĩ của họ lạc về miền xa xăm, về khung cảnh dắt con mình đi giúp việc cho bà chủ cửa hàng tạp hóa người Hoa ở phiên chợ sáng nay, hay ra bờ biển làm cu li để giúp giảm đi phần nào gánh nặng tài chính cho gia đình. Thực lòng mà nói, việc trang trải nhiều khoản chi phí cho giáo dục trong suốt mấy năm ròng rã như thế, gánh vác được hay không là điều chẳng hề dễ dàng. Nhưng quả thực may mắn, khi suy nghĩ của họ chỉ dừng lại ở suy nghĩ thôi, chẳng hề thảng thốt nên lời, hay bộc lộ qua hành động. Họ chỉ giữ trong lòng và tiếp tục quan sát con mình hạnh phúc biết bao với ngôi trường mới, trao cho con cơ hội đi học_một trong những điều cơ bản của quyền con người.
Tác giả không chỉ kể câu chuyện ngày khai trường đầu tiên, mà còn dẫn bước chân ta thăm thú xuyên suốt trục thời gian của quãng đời đi học. Mân mê từng câu chữ, tôi như được ngả lưng trên miền ký ức tựa mạn thuyền phiêu du vỗ về ấy.
Quãng thời gian đi học, chẳng điều gì cụ thể định nghĩa được cho nó cả. Trong câu chuyện, tác giả cùng những người bạn của mình, biệt đội "Chiến binh cầu vồng" đã trải qua những ngày tháng học tập sôi nổi dưới sự truyền đạt kiến thức của cô Mus và thầy Harfan. Đó là những phát kiến mới mẻ về tiềm năng trí tuệ mầm non: Lintang, cậu bạn giỏi tự nhiên, hay Marha với tài năng thiên bẩm về nghệ thuật. Đó cũng là khao khát giành được giải học sinh giỏi hay đoạt chiếc cúp trân quý trong "Lễ hội hóa trang" để không một ai có thể coi thường trường tiểu học Muhammadiyah thêm lần nữa. Miền ký ức tuổi học trò còn ghé thăm xúc cảm rung động đầu đời của Ikal với cô bạn gây ấn tượng thưở đầu bằng đôi bàn tay xinh xẻo. Những lá thư, muôn vàn bài thơ và cả trăm lần bày mưu tính kế để sớm gặp lại người trong mộng... cuối cùng chẳng thể vượt qua cái ranh giới vụng trộm, chia xa và tan vỡ. Đó chẳng phải là những điều nhẹ nhàng khó quên mà tuổi học trò, ai cũng đã từng nếm trải đó sao? Kể cả người lớn, người già hay những cô cậu thanh thiếu niên đang tuổi mơ mộng đều khắc sâu mãi, những tháng ngày tinh khôi khi còn được cắp sách đi học ấy. Chìm đắm vào câu chuyện đến trường của "Chiến binh cầu vồng", ta có nhận ra khe khẽ một dải ký ức bay bổng tựa ngân hà được khơi gợi, lướt qua và thấu tận trái tim đang bồi hồi nhịp xao xuyến. Ta nghĩ về những nỗ lực, áp lực, hạnh phúc, tủi thân. Ta nhớ về bóng người cũ, mối tình đầu tựa thanh âm trong trẻo, tan vỡ và khiến ta bật khóc. Ta lại thấy sao bầu trời năm ấy, rực rỡ và tuyệt diệu với ta đến thế. Hẳn là vì thời gian trôi, hay là vì hôm nay, ta đã thay đổi nhiều rồi?
Hồi ức nguyên sơ, rương kho báu với nhiều châu ngọc kỷ niệm mà "Chiến binh cầu vồng" đem lại, không hề là món quà chỉ dành riêng cho người trẻ, những cô, những cậu đang tuổi cắp sách đến trường, còn lắm hoài bão và ước mơ. Cuốn sách dành tặng mạch nguồn ký ức dồi dào cho cả những ai đã từng ước mơ, đã từng một thời trẻ sung mãn, nhiệt sôi đến thế. Hình ảnh cô giáo Mus trong buổi đầu thực hiện hóa giấc mơ vẫn là một giáo viên run rẩy tâm sự với thầy hiệu trưởng rằng, phải còn 1 em nữa thì trường chúng ta mới được phép mở cửa. Người thiếu nữ trẻ tuổi ấy khao khát được truyền đạt kiến thức biết bao nhiêu, cho nên sự sợ hãi bấy lâu dần hóa thành cứng rắn, mạnh mẽ. Cô có thể đối mặt với bất cứ điều gì, kể cả chính quyền, thách thức cả vua thép PN, để giành lấy hơi thở sống còn cho ngôi trường làng xập xệ Muhammadiyah, nơi cô đã và đang gửi gắm cả linh hồn, nỗ lực và tuổi trẻ của mình vào đó. Hay thầy hiệu trưởng Harfan, người đàn ông với tấm lòng tựa trời biển, suốt một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, giúp đỡ những trẻ em nghèo khó trên đảo Belitong có thể được đến trường, thoát khỏi vực thẳm tối tăm mà định mệnh sắp đặt. Người đàn ông ấy đã làm hết sức rồi, những đứa trẻ ông trân thương như con ruột nhìn thấy ông gục đầu trên bàn làm việc, trút hơi thở cuối cùng khi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những tài liệu, để dạy thêm kiến thức cho học trò thời điểm cận tốt nghiệp.
Vậy đấy, con người đâu thể sống lại lần hai! Cuộc đời chỉ xảy đến một lần, và đó là khi, hơi thở đầu tiên buông xuống trần gian tuyệt diệu, cho đến khi, trở về với cát bụi vĩnh hằng. Chính vì thế con người không thể sống trơ trơ, vô cảm. Cô Mus, thầy Harfan hay 11 chiến binh cầu vồng luôn sống với nhiệt huyết căng tràn, hướng đến những lý tưởng cao đẹp, và hơn cả, họ đã thực sự hạnh phúc với những gì mình đã làm trong quãng thanh xuân đến trường ấy.
Đọc "Chiến binh cầu vồng", bạn đắm chìm trong vô vàn ký ức ấm áp, cũng tự cảm thấy biết ơn mình, vì năm tháng đó đã nồng nhiệt, chân phương, rạo rực và thơ ngây như vậy.
Kho báu hồi ức, đích thực sinh ra là để an ủi tâm hồn con người. Nó giúp ta soi chiếu chính mình, để trong sâu thẳm, ta thấy bản thân mình đã tốt lên chưa? hay suốt đời chỉ sống một cuộc đời không hề đáng sống.
Tiếng nói tố cáo xã hội và đòi quyền giáo dục
Thông qua câu chuyện đến trường của những chiến binh cầu vồng, bạn đọc sẽ có dịp thăm thú xã hội Indonesia những năm 80. Với bối cảnh là hòn đảo Belitong xinh đẹp, trù phú và giàu có bậc nhất đất nước này, nhà văn đã họa lên khung tranh ấy nét vẽ sắc sảo và chân thực, về một sự thật đắng lòng, những vấn đề hiện thực, len lỏi trong từng câu chuyện của đứa trẻ Ikal và các bạn.
Vậy sự thật ấy là gì? Có điều gì thực cay đắng ẩn lấp đằng sau vẻ tỏa rạng trù phú của viên ngọc đảo Belitong ấy? Hãy đọc, và rồi bạn cảm thấy cuộc đời này trớ trêu đến nhường nào.
Đời đời là những cư dân gắn bó ruột thịt với hòn đảo nhỏ quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Thế mà, những cư dân bản xứ của Belitong giờ đây tựa bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc. Ấy là bởi vì, người Hà Lan đã tìm thấy kho báu thiếc khổng lồ ở chốn bé nhỏ này, và hạ quyết tâm sẽ khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên ấy đến cùng. "Những cái máng xúc bằng thép liên tục bổ những nhát xới sâu vào mảnh đất Belitong. Chúng giống như những con rắn khổng lồ háu đói chẳng biết đến mệt mỏi là gì... Chúng đập nát những dãy san hô, đốn hạ thân cây to ngang một ngôi nhà nhỏ, giật sập những tòa nhà bằng gạch chỉ trong chớp mắt, và chẳng mấy chốc san phẳng cả một ngôi làng". Chứng kiến quê hương mình đang dần bị tàn phá nghiêm trọng như thế, nhưng với thân phận là những cư dân thấp cổ bé họng trong xã hội, chẳng một ai dám lên tiếng. Thậm chí, những người dân bản địa của Belitong còn phải làm thuê làm mướn những công việc hết sức nặng nhọc cho công ty khai thác thiếc PN ngay trên chính hòn đảo của mình. Ngày qua ngày, những dân làng bé nhỏ phải chịu đựng tiếng trời giáng của máy xúc găm sâu xuống mặt đất, chịu đựng sức nặng của những mỏ thiếc trên đôi lưng gầy nhom, chịu đựng cả những bất công, những sự phân biệt đối xử thậm chí liên lụy đến con cái của họ. Một thực tế hết sức mỉa mai với cuộc sống của con người nơi đây, trong những tháng năm xưa cũ ấy: "sự xa hoa lộng lẫy của Điền Trang và nét quyến rũ khôn cưỡng của ngôi trường PN tài trợ bằng tiền kiếm được từ những mỏ thiếc khai thác trên chính mảnh đất quê hương Belitong xinh đẹp".
Lăn lộn trong hiện thực quỷ quái và hiểm hóc đó, 7 tuổi, nơi những đứa trẻ mơ về không phải là trường học, bè bạn, thầy cô hay là những sân chơi, mà là những nông trường khai thác tiêu, khai thác thiếc rộng lớn. Rất nhiều trẻ em nơi đây đã trở thành cu li, cả cuộc đời vùi mình vào công việc khuân vác nặng nhọc, chẳng kiếm được mấy đồng lẻ đô la mỗi tháng. Thế mà, điều không thể ngờ rằng, những đồng tiền bé mọn khi trở thành cu li đốn trầm hương còn có thể mua được một cái xe đạp. Trong khi thầy Harfan đã là hiệu trưởng trường tiểu học Hồi giáo Muhammadiyah nhiều năm nay, thì phải chật vật lắm mới chỉ mua được sợi xích hay ruột xe đạp mà thôi.
Từ sự nghèo túng đến bất ngờ của thầy giáo Harfan, ta mới rùng mình nhận ra rằng, hóa ra, nơi đây không hề xem trọng giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho những trẻ em nghèo. Cứ nhìn ngôi trường xập xệ 120 năm tuổi mang tên Muhammadiyah là biết. Trong lớp chẳng có gì ngoài một tủ trưng bày trống trơn, không có mô hình học tập, không quả địa cầu, cờ và quốc huy Indonesia. Còn tay thanh tra Samadikun thì luôn chực chờ đóng cửa ngôi trường. Cái xã hội thối nát của kẻ cầm quyền, từ ngày khởi sinh đã ban hành thứ khái niệm rằng trẻ em nghèo thì không cần phải đi học. Lũ nhà giàu nở nụ cười khinh bỉ và láo nháo nhồi sọ những cư dân thiếu hiểu biết ở đây, rằng học tập chỉ dành cho con em nhà giàu và chỉ có họ, độc tôn mỗi họ mới có quyền lĩnh hội kiến thức, mới được phép làm những công việc thiêng liêng.
Vậy nên, nhiệm vụ tất yếu của những chiến binh cầu vồng, là phải chiến đấu để bảo vệ nền giáo dục mà họ xứng đáng được hưởng ấy. "Chúng tôi giống như những động vật thân mềm nhỏ bé bám vào nhau để tự bảo vệ mình khỏi những đợt sóng dồn dập trong đại dương tri thức". Dẫu cho bến bờ giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích với những đứa trẻ phải cật lực với cái ăn, cái mặc hằng ngày, dưới sự phân biệt đối xử, thì tiếng nói của những đứa trẻ ấy vẫn dõng dạc, vang xa và đầy rắn rỏi, về quyết tâm sẽ đem lại sự công nhận cho ngôi trường, cho năng lực bản thân chúng và cuối cùng, là sự cầu vọng thiêng liêng vì một xã hội tốt đẹp hơn, không còn phân biệt đối xử, không một lần nào nữa, với bất cứ ai, được phép tước đoạt quyền giáo dục mà mọi người xứng đáng có.
Cầu vồng liệu có xuất hiện sau cơn mưa?
Tiếng nói xuất phát từ chân tâm khao khát được học hành của những đứa trẻ con, hay nỗi niềm cầu mong của bậc thầy cô như cô Mus và thầy Harfan, cũng đồng điệu là ước ao đổi đời của người dân đảo Belitong, được nhìn thấy một thế hệ không còn quẩn quanh trong vòng vây tối tăm của nghề cu li nữa, hoàn toàn là điều chính đáng. Chính vì vậy, ở đích kết cuối cùng, những chiến binh cầu vồng đã chiến thắng. Chúng đã đem lại vinh hiển cho ngôi trường tiểu học nhỏ bé và nhiều lần đập tan hoạch định san phẳng trường của thanh tra sở giáo dục Samadikun.
Thế nhưng cầu vồng đời thực đã không hề xuất hiện sau cơn mưa.
Gấp lại quyển sách, bạn đọc ắt hẳn sẽ xót xa cho số phận những chiến binh. Họ chiến thắng mọi khó khăn khủng khiếp ở ngoài, nhưng lại để thua chính mình. "Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính, nó gặm nhấm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng"
Cái kết viên mãn đã không hề đến với những đứa trẻ từng sục sôi dồn tất cả mọi hạnh phúc cho việc học, những ước mơ thuở 12-13 tuổi đã không bao giờ thành hiện thực: Hòai bão của Harun, Trapani và ước mơ trở thành nhà toán học của Lintang đều bị vỡ tan. Sahara cũng không trở thành người đấu tranh cho nữ quyền. Samson thậm chí không với tới nổi cái chức nhân viên vé ở rạp chiếu phim. Hay Ilkal, cậu trở thành người đưa thư, công việc mà cậu từng tuyên thệ là chán ghét nhất.
Lời kết
Đặt tay lên lồng ngực trái của bản thân, sâu thẳm, độc giả có tiếc nuối không? có buồn thương và đau lòng không? Tất nhiên là có. Nhưng càng như thế, tôi càng tin rằng, sự giác ngộ sẽ ập đến sớm hơn, rằng con người cần bảo tồn những giá trị tinh thần của mình, những rung động, xúc cảm, tinh thần sục sôi và nhiệt huyết. Đừng bao giờ, bằng bất cứ giá nào, khiến nó trở nên phai nhạt, bởi lẽ, đó là lần đầu tiên ta ban cái chết đến cho bản ngã của chính mình.
"Chiến binh cầu vồng" nhẹ nhàng pha đôi chút lãng mạn trong văn phong, bình dị và thực tế trong cách dùng ngôn ngữ, mà hàm chứa cả bể đại dương sâu về ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, tâm lý con người và cả con đường dạy ta sống ra sao để không hối hận vì đã được sống.