TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG
Quế Hương là bút danh của Nguyễn Thị Thương. Từ cô nữ sinh Đồng Khánh đến cô giáo dạy Việt văn trung học Thành Nội - Huế và nay là một nhà văn với hơn mười mấy năm cầm bút, văn chương như một nghiệp dĩ ngấm vào tâm hồn chị. Để rồi, lúc vừa buông viên phấn, ngọn bút của nhà văn Quế Hương lại nở hoa thành những trang văn đằm thắm dịu dàng mà khắc khoải, da diết… Văn của chị lôi cuốn người đọc bởi “nỗi buồn ấm áp” được chưng cất nên từ bao điều bé mọn của cuộc sống thường ngày. Đó là thứ văn như chắt ra từ sâu thẳm thương yêu. Có thể nói rằng, chất trữ tình trong truyện ngắn Quế Hương không chỉ là một “dư vị” khó quên mà còn là dấu hiệu của một phong cách nghệ thuật độc đáo.
Truyện ngắn của Quế Hương khá phong phú, đa dạng. Có những truyện như một lát cắt của hiện thực đời sống nghiệt ngã với những vấn đề thời sự nhức nhối: căn bệnh thế kỉ AIDS để lại nỗi đau trên thân phận đứa bé mà cái tên đã là một nỗi xót xa: Tội (Tiên ngồi khóc); những mảnh đời lầm lụi của trẻ em đường phố (Tí bụi); áp lực học tập và sự thiếu đồng cảm với trẻ thơ (Trốn tìm)… Truyện của Quế Hương khi thì được khoác lên sắc màu cổ tíchvới những bài học nhân sinh sâu sắc (Câu hát gọi tìm, Cội mai lưu lạc); khi thì lấp lánh chất huyền hoặc, bảng lảng không khí cổ xưa (Bức tranh thiếu nữ áo lục, Tịnh tâm viên)… Nhưng dù viết về đề tài gì, mạch trữ tình vẫn bàng bạc thấm sâu trong từng con chữ, trở thành một thứ sinh quyển của văn bản, làm cho mỗi truyện ngắn của Quế Hương như “một nốt trầm xao xuyến”, rất giàu chất thơ.
Truyện ngắn Quế Hương không có những xung đột gai góc, kịch tính mà thường là những khoảng lặng của nội tâm. Chị có tài làm cho da diết những điều tưởng chừng như giản đơn, bé nhỏ chỉ chực tuột đi trong nhịp sống hối hả thường ngày. Đó là người phụ nữ mảnh mai của những câu chuyện buồn tủi, xót xa mà cũng đầy mơ mộng; người phụ nữ của những câu chuyện về thân phận bọt bèo, tuổi thơ bị ruồng bỏ, tình yêu như con nước dịu dàng trôi chảy... Đó là tình thương của thằng Tí bụi với bà mẹ điên và bầy chó làm cho tâm hồn nó lóng lánh những sắc màu đáng quý sau lớp bụi đời cáu bẩn (Tí bụi). Là mảnh hồn trong trẻo như cánh cò trắng muốt của thằng Cọt mất mẹ, mất em trong mùa nước lũ, dồn tất cả tình thương cho cò gà bé bỏng (Cò gà). Cảm tưởng như sự “lạ hóa” không phải là yêu cầu tiên quyết trong văn Quế Hương. Đành rằng văn chương cần cái mới, nhưng quan trọng hơn cả là sự cảm thông đồng điệu. Văn của chị thường trở đi trở lại và lay động hồn người bởi những điều bé mọn. Ả ìa âu? là một tiếng nấc nghẹn của đứa trẻ khi mất đi con chó - người bạn đồng hành của tuổi thơ. Đôi chân biết khóc là sự rưng rưng trước cảnh ngộ của mẹ, của mình - những thân phận đàn bà với những nhọc nhằn lam lũ. … Chất thơ trong nhiều truyện ngắn của Quế Hương toát lên từ sự ứng xử của các nhân vật. Họ đau đáu một tình yêu trong tim và lời yêu chỉ vỡ òa thành tiếng “Mưa ơi” khắc khoải khi người ta khóc thương cho một đời nằm xuống (Trần gian có mưa) hay chắt đúc thành giọt yêu thương như chiếc lá hình giọt lệ chị Thời cặm cụi cắt tỉa một đời…
Quế Hương từng quan niệm, viết văn giúp nhà văn bước ra khỏi “khung cửa hẹp”của đời mình, để thấy “thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn”. Và con đường giúp chị bước ra khỏi khung cửa hẹp ấy để hòa vào tâm hồn độc giả chính là ngòi bút trữ tình sâu lắng của mình. Cùng với những nhà văn nữ khác đương thời như Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương…,Quế Hương đã làm đậm lên dòng mạch trữ tình trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, góp một tiếng nói làm cho bức tranh truyện ngắn thêm phần đa thanh, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩnhiều chiều của người đọc.
NGUYỄN THỊ NGỌC GIANG